Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm khớp

Càng lớn tuổi, khả năng di chuyển, vận động ngày càng chậm chạp và khó khăn. Phần lớn là do tác động của các bệnh lý về xương khớp, điển hình là bệnh viêm khớp. Nếu không có đủ hiểu biết về bệnh hay điều trị bệnh không đúng cách thì bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ảnh hưởng đến chức năng vận động, gây khó khăn trong việc cử động hoặc đi lại sau này.

Viêm khớp là gì?

  Viêm khớp là một thuật ngữ chung chỉ tất cả các rối loạn có ảnh hưởng đến cấu trúc và hoạt động của khớp. Dấu hiệu thường gặp nhất của viêm khớp là hạn chế tầm vận động của khớp và đau tại khớp. Các triệu chứng khác có thể có là sưng, nóng, đỏ tại khớp và cứng các cơ liên quan đến khớp.

  Có khoảng 100 loại viêm khớp. Những dạng phổ biến nhất là viêm xương khớp(OA) và viêm khớp dạng thấp(RA).

-Viêm xương khớp: Là một loại bệnh thoái hóa khớp.

  Sụn khớp thoái hóa gây ra tình trạng viêm xương khớp. Sụn khớp là lớp đệm bảo vệ giữa 2 đầu xương và giúp giảm sự cọ xát của xương khi chúng ta di chuyển. Giống như tất cả các bộ phận giảm chấn khác, sụn cũng thoái hóa theo độ tuổi và mức độ hoạt động của khớp. Vì vậy khi bị viêm xương khớp, lớp trên của sụn bị vỡ và mòn đi. Điều này khiến cho các xương dưới sụn cọ xát vào nhau. Việc cọ xát gây đau, sưng và làm các khớp khó chuyển động, biến dạng thậm chí các xương lệch khỏi vị trí bình thường. Các khớp thường bị viêm đó là các khớp bàn tay, cột sống, đầu gối, hông.

  Bệnh này thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên, đặc biệt từ 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên viêm xương khớp cũng có thể gặp ở người trẻ đặc biệt là sau khi bị các chấn thương tại khớp. Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến viêm xương khớp.

-Viêm khớp dạng thấp:

  Đây là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể . Bệnh gây viêm (đỏ, sưng) dẫn đến đau, xơ cứng và sưng khớp, phần lớn là khớp tay, khớp lưng, khớp bàn chân và khớp gối.

  Viêm khớp dạng thấp không chỉ phá hủy, làm tổn thương đến hệ khớp của cơ thể mà còn làm tổn thương đến các cơ quan, bộ phận khác như da, mắt, phổi, tim và mạch máu. Đây là một bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, vị trí tổn thương đầu tiên trong viêm khớp dạng thấp là các màng hoạt dịch, sau đó làm rối loạn các thành phần khác trong khớp. Bệnh tấn công đến các khớp nhỏ trước tiên như ngón tay, ngón chân. Đối tượng thường mắc viêm khớp dạng thấp là phụ nữ trên 40 tuổi.

Các biến chứng nguy hiểm

1.Giảm dần hoặc thậm chí mất chức năng vận động

Trong thời gian đầu mắc bệnh, nếu không có cách điều trị kịp thời, người bệnh rất dễ bị những biến chứng nguy hiểm sau này, trong đó bao gồm cả việc giảm hoặc có thể mất đi chức năng vận động thông thường như cầm nắm … và khiến họ mất đi khả năng lao động.

2.Biến dạng khớp

  Teo cơ, biến dạng khớp hoặc tàn phế: biến chứng thường gặp của bệnh viêm khớp là bị cứng khớp, khi đó bàn tay của người bệnh sẽ khó có thể nắm lại được hoặc người bệnh khó có thể xoay tay, xoay vai. Những biến chứng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn như teo cơ, biến dạng khớp, dính khớp, thậm chí là bại liệt nếu ở giai đoạn cuối của bệnh mà người bệnh vẫn không được điều trị bệnh thích hợp và đúng cách.

3.Loãng xương

 Tình trạng loãng xương được ghi nhận ở đa số các ca viêm khớp dạng thấp. Theo các chuyên gia y tế nguyên nhân gây loãng xương là do tác dụng phụ của thuốc kháng viêm dùng để điều trị ở các bệnh nhân này. Tuy nhiên mức độ loãng xương lại không đồng đều, phần xương ở gần khu vực khớp viêm thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

4.Bệnh tim mạch

  Ngoài dạng viêm khớp gây biến chứng tại khớp còn có dạng viêm khớp gây biến chứng tại các cơ quan khác như bệnh thấp khớp cấp. Thấp khớp cấp gây tổn thương tại tim, đặc biệt là van tim và đây là nguyên nhân gây bệnh tim mạch và có thể gây tử vong khi lớn tuổi. Bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở người cao tuổi.

5.Tổn thương thần kinh

Những người bị viêm khớp, đau ở cột sống cổ hoặc mắc các vấn đề thăng bằng có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương thần kinh. Bệnh có thể làm tổn thương đến phần trên cột sống, tổn thương các khớp ở cổ gây kích thích và tăng áp lực lên các dây thần kinh ngoại biên của não, cột sống, dây thần kinh giữa…

  Các biểu hiện tê, ngứa ran hoặc có cảm giác bỏng rát ở bàn tay, bàn chân cũng là dấu hiệu thần kinh ngoại biên bị tổn thương.

Viêm khớp và các biến chứng của bệnh sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu không có biện pháp điều trị và phòng ngừa kịp thời. Theo như các chuyên gia và bác sĩ khuyên rằng “phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh”. Vì vậy hãy chủ động bảo vệ xương khớp ngay từ bây giờ với chế độ ăn uống, lao động hợp lý và các chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng tốt cho xương khớp.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC