Chế độ ăn cho một lá gan khỏe mạnh

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất cơ thể và cũng là cơ quan sống còn, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể từ việc loại bỏ độc tố đến giúp tiêu hóa thức ăn. Gan có một đặc điểm ưu việt ít cơ quan nào có, đó là khả năng tự tái tạo lại lượng nhu mô bị mất. Nếu lượng tế bào gan bị mất dưới 25% thì gan có thể tự tái tạo lại hoàn toàn. Mặc dù vậy gan không phải là cơ quan “bất tử”. Gan vẫn có thể bị nhiễm mỡ, xơ hóa, hoại tử, ung thư...Khi chỉ số men gan tăng cao là dấu hiệu của việc gan bị tổn thương. Một phương pháp rất đơn giản để đưa chỉ số men gan trở về bình thường đó là thay đổi chế độ ăn hợp lý.

1. Bổ sung các vitamin thiết yếu.

Để có một lá gan khỏe mạnh, trong chế độ ăn hàng ngày những người bị tăng men gan nên tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều vitamin B, C và E.

Vitamin B có nhiều trong các thực phẩm như giá, đậu, lạc, trứng, gạo lứt. Dung nạp thêm các loại thực phẩm dồi dào vitamin E như hạnh nhân, bơ, cà chua, măng tây…vitamin C giúp phục hồi mô, chữa lành vết thương, tăng sức đề kháng và nó có nhiều trong cam, quýt, bưởi, việt quất, dâu tây.Cam, quýt, bưởi chứa nguồn vitamin C dồi dào

2. Tăng cường thêm chất xơ, đặc biệt là các loại rau họ cải

Thực phẩm có nhiều chất xơ ngăn cơ thể hấp thụ quá nhiều cholesterol. Chất xơ cũng giúp cho việc tăng bài tiết mật của gan, cải thiện tiêu hóa chất béo và ngăn ngừa bệnh gan. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm:

Ngũ cốc nguyên hạt: lúa mì, yến mạch, ngô, gạo lứt

Các loại hạt, đậu: hạnh nhân, quả óc chó, hạt lanh, hạt điều, hướng dương, đậu đen, đậu đỏ...

Các loại quả mọng: quả mâm xôi, quả việt quất, dâu tây, berry

Trái cây: đặc biệt là những loại có vỏ ăn được như táo, ổi, mận, đào, mơ

Chúng ta đều biết rằng ăn nhiều rau xanh rất tốt, nhưng tốt như thế nào? Đối với gan, rau xanh – đặc biệt là rau họ cải giúp cân bằng men gan, tăng cường các enzyme thải độc gan. Những loại rau này cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất xơ: bông cải xanh, súp lơ, cải xoong, bắp cải, củ cải, wasabi.

3. Tăng cường các thực phẩm chứa chất chống oxi hóa

Các thực phẩm chứa nhiều chất oxi hóa giúp hỗ trợ tăng cường chức năng và tối ưu hóa hoạt động của gan. Các chất chống oxi hóa mạnh mẽ như flavonoid có nhiều trong củ cải đường, vitamin E – đây là 1 chất chống oxi hóa tự nhiên hiệu quả, có nhiều trong bơ, ngoài ra không thể không kể đến glutathione có nhiều trong quả óc chó, hạnh nhân.

4. Bổ sung acid folic

Thiếu hụt acid folic có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan và nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu năm 2011 với 455 người tham gia cho thấy việc bổ sung axit folic tăng làm giảm chỉ số ALT, đặc biệt ở nam giới và những người có chỉ số ALT tăng cao. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng một liều hàng ngày 0,8 mg axit folic có thể giúp giảm chỉ số ALT.

Acid folic có nhiều trong các thực phẩm: gan bò, rau bina, đậu đen, bắp cải, rau diếp, măng tây…

5. Uống đủ nước

Uống đủ nước sẽ giúp gan đào thải độc tố. Các chuyên gia khuyến cáo nên uống 8-10 ly nước mỗi ngày. Các thời điểm thích hợp để uống nước:

-Ngay sau khi thức dậy

-Trước bữa ăn 30 phút

-Trước và sau khi hoạt động thể chất

-Trước khi đi ngủ 2

6. Những thực phẩm nên tránh

Bên cạnh một chế độ ăn cân bằng giữa chất béo và chất xơ, để giúp bảo vệ gan khỏe mạnh cần hạn chế tối đa các thực phẩm dưới đây:

- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa: đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp

- Các gia vị cay, nóng: ớt, hạt tiêu

- Thực phẩm chứa nhiều đường: các loại bánh ngọt

- Chất kích thích và đồ uống có cồn, có ga: rượu, bia, thuốc lá…

 

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC