Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ cho mẹ bầu

  Sự phát triển toàn diện về thể chất và não bộ của bé luôn là ưu tiên hàng đầu của mẹ trong suốt thai kỳ. Chính vì vậy, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp cho mẹ mang tính quyết định tới cân nặng và sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu cần đặc biệt chú ý tới dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ bởi đây là giai đoạn phát triển đầu đời quan trọng của thai nhi.

1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ

  3 tháng đầu được coi là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của thai nhi. Vào tuần thứ 4 của thai kỳ, hệ thống thần kinh của trẻ bắt đầu phát triển. Đến tuần thứ 6, não và tủy sống hình thành, song song với quá trình phát triển tim, hệ tuần hoàn và các cơ quan nội tạng khác. Đến cuối tuần thứ 12 của thai kỳ, hầu hết các bộ phận trên cơ thể thai nhi như chân, tay, mắt, mũi,... đều hoàn thiện.

  Để phát triển toàn diện, thai nhi cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là các vi chất cần thiết như DHA, axit folic, canxi, sắt, vitamin D,...đồng thời ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất ở mẹ do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao. Vì vậy, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu mang thai đầy đủ, khoa học là vô cùng cần thiết để người mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và em bé được phát triển toàn diện.

2. Những vi chất thiết yếu trong 3 tháng đầu mang thai

  Cùng với sự phát triển của thai nhi, nhu cầu năng lượng của thai phụ cũng thay đổi đáng kể. Trung bình, bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu cần cung cấp khoảng 2300 - 2400 kcal/ngày. Dưới đây là một số vi chất thiết yếu trong 3 tháng đầu mang thai mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ

  Axit folic: Giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh hay tật nứt đốt sống trong bào thai. Mẹ bầu có thể bổ sung axit folic qua các loại thực phẩm như rau màu xanh thẫm (cải xanh, rau muống,...), thịt gia cầm, ngũ cốc,... Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể dùng thêm viên uống bổ sung axit folic theo hướng dẫn của bác sĩ;

  Protein: Rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển nhanh của mô bào thai. Không chỉ vậy, protein còn giúp tăng trưởng mô vú và tử cung trong thai kỳ, tăng cường sản sinh máu, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu nên chú ý ăn nhiều hơn các thực phẩm giàu protein như cá, đậu, trứng, thịt gà, sữa, thịt bò nạc và heo,... trong cả 3 bữa ăn. Trong giai đoạn này, thai phụ cần khoảng 85 - 90g protein/ngày, cao hơn bình thường 10-15g/ngày;

  Sắt: Bà bầu cần được cung cấp 36 - 40mg sắt mỗi ngày để phòng ngừa thiếu máu. Các loại thực phẩm có hàm lượng sắt cao cần tăng cường vào thực đơn ăn uống của thai phụ gồm thịt đỏ, tim cật, các loại hạt, rau xanh,... Ngoài ra, thai phụ cũng có thể sử dụng thêm viên uống cung cấp sắt theo chỉ định của bác sĩ;

  Vitamin A: Mẹ bầu cần được cung cấp đủ 600mcg vitamin A/ngày. Các loại thực phẩm giàu vitamin A gồm thịt, cá, trứng, sữa, gan động vật, rau màu xanh thẫm, củ quả màu vàng, đỏ;

  Canxi và vitamin D: Là 2 thành phần dinh dưỡng quan trọng trong việc hình thành hệ xương của thai nhi. Mẹ bầu nên bổ sung thêm canxi trong trứng, tôm, cá, cua, sữa, rau xanh, đậu đỗ và nên tắm nắng sớm để tăng cường hấp thu vitamin D;

  Vitamin C: Có tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng cảm lạnh cho mẹ, giúp xương bé chắc khỏe hơn. Vitamin C có nhiều trong các loại rau, củ, quả,...;

  Các nguyên tố vi lượng: Magie, selen, i-ốt, kẽm, vitamin nhóm B, DHA/EPA,... cũng cần được bổ sung vào chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu cho bà bầu.

3. Những lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu

  Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ thường bị ốm nghén nên có cảm giác ăn uống không ngon miệng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người mẹ và gián tiếp ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi.

  Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu thường bị ốm nghén và đối diện với nguy cơ dễ sảy thai nếu không chú ý trong vấn đề ăn uống. Một số điều cần chú ý thêm trong thời gian này, cụ thể:

  • Chia 3 bữa chính thành 6 bữa nhỏ.
  • Lựa chọn các thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu hóa, ăn tinh bột kết hợp protein từ thịt, kết hợp uống sữa ít béo, ít đường vào các buổi sáng tối, hoặc các chế phẩm từ sữa.
  • Uống nước giữa các bữa ăn để tiêu hóa tốt hơn, không nên uống nước trong bữa ăn.
  • Tránh thực phẩm khó tiêu, nhiều chất béo để hạn chế tình trạng nghén. Tránh ăn các thực phẩm: dứa, đu đủ, cua,… và các chất kích thích như café, rượu, bia, thuốc lá.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu axit folic tự nhiên từ rau màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu...
  • Tuyệt đối không ăn các thực phẩm chưa nấu chín, tái, trứng sống...
  • Ăn nhẹ các bữa giàu cacbohydrat khoảng 15-20 phút trước khi ra khỏi giường như bánh quy mặn, các loại hạt, ngũ cốc, trái cây sấy khô ít đường.
  • Giảm các loại đồ ăn vặt nhiều calo, ít dinh dưỡng như đồ ngọt, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Uống ít nhất 8 cốc nước (khoảng 2 lít) mỗi ngày, hoặc bổ sung thêm từ trái cây tươi, canh, súp trong các bữa ăn.

  Dinh dưỡng trong 3 tháng đầu rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, vì vậy mẹ bầu nên thiết lập cho mình một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp. Nếu bạn chưa rõ cơ thể mình cần bổ sung những nhóm chất gì, khẩu phần ăn ra sao thì có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC