Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ suy giảm miễn dịch

Hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch là một hệ thống phức tạp được tạo thành từ các tế bào, mô và các cơ quan, chúng phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo vệ cơ thể con người chống lại các tác nhân gây bệnh ngoại sinh và nội sinh nhằm giữ cho toàn bộ cơ thể khỏe mạnh. Hệ miễn dịch tấn công những yếu tố gây bệnh cho cơ thể con người thông qua một loạt các bước được gọi là phản ứng miễn dịch. 

Khả năng miễn dịch của mỗi người là khác nhau nhưng đều theo hoạt động theo cơ chế chung và sẽ hoạt động tốt hơn khi trưởng thành. Đó cũng là lý do tại sao thanh thiếu niên và người lớn có xu hướng ít bị bệnh hơn trẻ nhỏ. Nhưng nếu không ăn uống lành mạnh, ít vận động, không ngủ đủ giấc hoặc bị căng thẳng kéo dài sẽ góp phần làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Suy giảm miễn dịch là khi cơ thể giảm hay hoàn toàn không có khả năng đề kháng với sự tấn công của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn từ bên ngoài và các yếu tố nội sinh khác. Từ đó cơ thể rất dễ nhiễm trùng với mức độ nặng hơn người bình thường hay thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng.

Dấu hiệu nhận biết nguy cơ suy giảm miễn dịch

1.Luôn cảm thấy mệt mỏi

Người có sức đề kháng kém thường cảm thấy mệt mỏi, ngay cả khi ngủ đủ giấc vẫn cảm thấy cả ngày không đủ sức lực, thiếu sức sống, dễ đau mỏi cơ thể... Đây là một dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể bạn đang gặp trục trặc.

2.Thường xuyên bị cảm lạnh

Khi sức đề kháng kém cơ thể không thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và virus, do đó bạn sẽ dễ bị ốm, điển hình là dễ bị cảm lạnh, cảm cúm.

Hoàn toàn bình thường khi có khoảng hai đến 3 đợt cảm lạnh mỗi năm. Đối với hầu hết mọi người, cảm lạnh sẽ kéo dài khoảng 7 ngày và trong thời gian này, hệ thống miễn dịch mất khoảng 3 đến 4 ngày để thiết lập kháng thể chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu bạn thấy rằng bạn liên tục bị cảm lạnh, hoặc những dấu hiệu cảm lạnh dường như không rõ ràng, thì đây là một dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang cố gắng để cảnh báo bạn về sự suy yếu của nó.

3.Vết thương chậm lành

Nếu chẳng may bị bỏng hoặc bị đứt tay, cơ thể phải hoạt động để bảo vệ vết thương và tái tạo làn da mới để vết thương lành lại. Quá trình chữa bệnh phụ thuộc rất nhiều vào các tế bào miễn dịch khỏe mạnh.

Tuy nhiên, nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị tổn thương, làn da của bạn không thể tái tạo một cách hiệu quả và bạn có thể thấy rằng những vết thương mất nhiều thời gian hơn để chữa lành, hoặc thậm chí có thể bị nhiễm trùng

4.Dễ mắc bệnh nhiễm trùng

Nếu phải chiến đấu với nhiễm trùng thường xuyên, có thể hệ thống miễn dịch đang gửi cho bạn những báo động đỏ.

Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hen Suyễn Dị Ứng Và Miễn Dịch Mỹ, các dấu hiệu suy giảm miễn dịch có thể xảy ra ở người lớn bao gồm:

Bị nhiễm trùng tai trên bốn năm trong một năm

Bị viêm phổi hai lần trong thời gian một năm

Bị viêm xoang mạn tính hoặc hơn ba đợt viêm xoang do vi khuẩn trong một năm

Phải sử dụng nhiều hơn hai đợt kháng sinh mỗi năm

5. Tiêu hóa kém

Nếu thường xuyên bị tiêu chảy, đầy hơi hoặc táo bón, đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang gặp vấn đề.

Một nghiên cứu tổng hợp được đăng trên tạp chí Gut Microbes cho thấy gần 70% hệ thống miễn dịch nằm trong đường tiêu hóa. Các vi khuẩn và vi sinh vật có lợi sống ở đó bảo vệ ruột của bạn khỏi bị nhiễm trùng và hỗ trợ hệ thống miễn dịch.

6. Thường xuyên bị stress

Theo báo cáo của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, căng thẳng kép dài làm suy yếu các phản ứng của hệ thống miễn dịch. Căng thẳng sẽ làm giảm số lương tế bào lympho và tế bào bạch cầu – đây là các tế bào giúp chống nhiễm trùng.

Số lượng tế bào lympho của bạn càng thấp, bạn càng có nguy cơ bị nhiễm virus cao như cảm lạnh.

Khi bị căng thẳng, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra quá nhiều hormone. Những hormone này can thiệp vào hệ thống miễn dịch và làm suy yếu nó bằng cách giảm số lượng bạch cầu và trong những trường hợp xấu có thể dẫn đến tổn thương mô.

Nếu cảm thấy bị căng thẳng liên tục chúng ta nên nghỉ ngơi và thư giãn. Điều này sẽ rất tốt cho hệ thống miễn dịch cũng như tâm trạng.

Có thể ví hệ miễn dịch như người anh hùng thầm lặng, bạn sẽ không cảm thấy sự hiện diện của nó như cách mà các cơ quan nội tạng khác đang làm việc để duy trì hoạt động cho cơ thể. Nhưng nếu vì một số yếu tố ngoại sinh hay nội sinh nào đó làm  nó suy yếu hoặc thậm chí ngừng hoạt động thì đó sẽ là cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch ngay hôm nay!

 

Nguồn thông tin tham khảo

https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/immune-system

https://www.aaaai.org/conditions-and-treatments/library/immune-deficiencies-library/recurrent-infections-immunodeficiencies

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3337124/

https://www.apa.org/research/action/immune

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC