Phân biệt đột quỵ và say nắng vào mùa nắng nóng

Vào mùa hè nắng nóng, đột quỵ và say nắng rất dễ bị nhầm lẫn. Nắng nóng được xem là nguyên nhân trực tiếp gây say nắng, sốc nhiệt. Nhưng lại chỉ là yếu tố thuận lợi tác động gây ra đột quỵ ở những người mang trong mình sẵn yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý tim mạch, béo phì, hút thuốc lá, rượu bia…

Vậy làm thế nào để phân biệt đột quỵ và say nắng trong những trường hợp để có thể ứng phó kịp thời? Tất cả được giải đáp trong bài viết dưới đây:

phân biệt đột quỵ và say nắng vào mùa hè

Đột quỵ là gì? Say nắng là gì?

Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heatstroke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng trên 104 độ F (tương đương trên 40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng và/ hoặc các hoạt động thể lực quá mức. Say nắng thường được chia thành 2 thể:

- Say nắng kinh điển xảy ra do nhiệt độ môi trường quá cao >40 độ C, kèm theo hoặc không kèm theo nắng gắt kéo dài liên tục.

- Say nắng do gắng sức xảy ra khi một người nào đó hoạt động mạnh trong môi trường nắng nóng chẳng hạn như chơi thể thao, thường gặp ở người trẻ, khỏe mạnh hoặc các vận động viên điền kinh gắng sức quá mức trong thi đấu và tập luyện.

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng cấp tính nguy hiểm, não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu lên não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Nguyên nhân của say nắng và đột quỵ

- Hiện tượng say nắng xảy ra khi lao động hoặc di chuyển quá lâu dưới thời tiết nắng nóng, nhất là buổi trưa (11h -14h), nhiều tia nắng mặt trời gay gắt sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy (tương ứng với vùng hành tủy của não bộ) một cách liên tục khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị chấn động, gây mất kiểm soát làm rối loạn việc điều hòa thân nhiệt khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 40 độ C kèm theo hiện tượng mất nước cấp của cơ thể.

hiện tượng say nắng khi hoạt động ngoài trời

Khi thân nhiệt tăng cao, các protein và các màng tế bào trong cơ thể, đặc biệt là trong não, bắt đầu bị phá hủy hoặc hoạt động sai. Khi đó ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, gây phá vỡ tế bào cơ tim và mạch máu, gây rối loạn chức năng đa cơ quan. Một số trường hợp có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não.

- Đột quỵ xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ (đột quỵ do xuất huyết) hoặc tắc nghẽn bởi cục máu đông (đột quỵ do thiếu máu, chiếm 85% tổng số các ca đột quỵ), khi đó sẽ ngăn cản quá trình đưa máu và oxi tới các tế bào của não. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đầy đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết, mỗi phút trôi qua có khoảng 2 triệu tế bào não bị chết. Do đó người bị đột quỵ cần được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng

Biểu hiện của say nắng

-Triệu chứng điển hình của sốc nhiệt là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp.

- Các dấu hiệu nhẹ ban đầu: nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt - giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Chú ý ở người già các dấu hiệu thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm.

- Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điên giải nặng, rối loạn cân bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, đại tiểu tiện ra máu) do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Biểu hiện của đột quỵ

Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, xảy ra đột ngột nên dễ nhầm lẫn với say nắng, bao gồm:

- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.

- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

- Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.

- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.

- Giảm thị lực đột ngột, mất thị lực 1 bên hoặc cả 2 bên mắt.

- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

Người bị đột quỵ có thể có một vài dấu hiệu trên. Tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện, có thể là trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới.

Cách phòng ngừa hiệu quả

Phòng ngừa say nắng

Kiểm soát nhiệt độ hay điều hòa thân nhiệt là một phần của cơ chế cân bằng nội môi của cơ thể người. Vì vậy khi thân nhiệt tăng quá cao, để giảm nhiệt, cơ thể sẽ tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi. Nhưng nếu một người dành quá nhiều thời gian trong nắng nóng mà không hấp thụ đủ nước, quá trình làm mát của cơ thể sẽ không thể hoạt động bình thường. Khi đó nhiệt độ cơ thể liên tục tăng và xảy ra sốc nhiệt. Để tránh sốc nhiệt vào những ngày hè nắng nóng, cần lưu ý:

- Hạn chế đi ra trời nắng gắt trong khoảng thời gian từ 11-15h

- Không làm việc quá lâu hoặc đi lại hay chơi thể thao trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức.

- Sau mỗi 1 giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong hầm lò, nhà máy, nên nghỉ giải lao khoảng 10 - 15 phút.

- Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính... (nên dùng áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất). Che chắn kĩ đầu và mặt.

- Uống đủ nước khi trời nắng nóng hoặc khi phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Có thể bổ sung thêm các loại nước uống có các chất điện giải, tránh nước ngọt, café và đồ uống có ga…

uống đủ nước phòng ngừa đột quỵ và say nắng vào mùa nóng

- Vào mùa nắng nóng, bên cạnh việc uống nhiều nước cần bổ sung thêm các loại rau của quả chứa nhiều kali, vitamin C: rau đay, mồng tươi, rau má, cà chua,…

- Với trẻ em và người cao tuổi, trong những ngày nắng nóng, cần hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời nắng.

Phòng ngừa đột quỵ vào mùa hè

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là các đối tượng có tiền sử bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao. Ngoài các biện pháp chống say nắng nêu trên, những đối tượng có nguy cơ cao đột quỵ khi nắng nóng cần lưu ý:

- Nên bật điều hòa ở nhiệt độ khoảng 27 độ C và mức chênh lệch không quá 7 độ C so với ngoài trời.

- Luôn uống đủ nước mỗi ngày, việc này vừa giúp tránh mất nước khi trời nắng nóng, đồng thời giúp tránh đặc máu và giảm khả năng hình thành huyết khối (cục máu đông).

- Luyện tập thể dục để tăng tuần hoàn máu, ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch.

- Khám sức khỏe tim mạch định kỳ.

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC