Thoái hóa khớp gối nên ăn gì và kiêng gì?
Để điều trị bệnh khớp hiệu quả, song song với điều trị bằng thuốc và luyện tập, việc bổ sung các dưỡng chất thiết yếu cho khớp cũng vô cùng quan trọng. Một chế độ ăn không phù hợp có thể sẽ tăng tình trạng thoái hóa khớp do làm tăng enzyme phá hủy collagen và các protein có tác dụng duy trì mô, sụn. Liệu rằng chế độ ăn hàng ngày của bạn đã thực sự phù hợp với bệnh thoái hóa khớp gối chưa?
1.Thoái hóa khớp gối là gì?
Khớp gối giữ vai trò nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất so với các khớp khác. Giống như tất cả các bộ phận giảm chấn khác, sụn khớp cũng thoái hóa theo độ tuổi và mức độ hoạt động của khớp. Do vậy, thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý thuộc hệ cơ xương khớp, thường xuất hiện ở ở độ tuổi trung niên, đặc biệt từ 40 tuổi trở lên, bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, chức năng vận động và có xu hướng tiến triển, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm theo thời gian.
Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học gây mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp - phá hủy của sụn và xương dưới sụn. Từ đó sinh ra các biểu hiện của thoái hóa khớp như thay đổi hình thái, nứt loét, mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo ra gai xương và hốc xương dưới sụn.
2. Như thế nào là một chế độ ăn phù hợp?
Chế độ ăn uống phù hợp đối với người bệnh thoái hóa khớp gối cần đảm bảo được những yếu tố sau:
- Giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương
Một chế độ ăn hợp lý, cân bằng dinh dưỡng có thể được coi như một liều thuốc tự nhiên, giúp ngăn ngừa các tổn thương cho sụn khớp.
Các phản ứng viêm trong cơ thể tác động xấu đến quá trình thoái hóa, làm phá hủy sụn và gây ra một loạt các tổn thương tại khớp gối. Chính vì thế, bổ sung thêm các thực phẩm chứa chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, …. là ưu tiên hàng đầu. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, ngăn chặn sự phá hủy mô, tế bào sụn khớp và giúp ngăn ngừa các phản ứng viêm cho khớp gối.
- Giảm cholesterol
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Công nghệ Queensland, Australia, chỉ số cholesterol cao không chỉ gây tổn hại cho hệ tim mạch mà còn dẫn đến sự phát triển của bệnh thoái hóa khớp gối. Nghiên cứu này thử nghiệm trên mô hình động vật cho thấy hàm lượng cholesterol cao gây stress oxy hóa ty thể trên các tế bào sụn khiến chúng bị tiêu diệt, cuối cùng dẫn đến viêm xương khớp. Có thể nói việc duy trì chỉ số cholesterol trong mức cho phép là rất cần thiết đối với người bệnh.
- Đảm bảo duy trì cân nặng hợp lý
Cứ tăng 0,45 kg thì khi di chuyển khớp gối sẽ phải chịu thêm 1,5 kg và khi chạy trọng lượng đè lên khớp gối tăng lên 4,5 kg. Béo phì làm tăng nguy mắc bệnh thoái hóa khớp lên tới 4-5 lần so với bình thường, đặc biệt là khớp gối.
Trọng lượng của cơ thể tác động lên sụn khớp làm nứt và rách sụn, làm cho quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn. Đồng thời lượng mỡ thừa trong cơ thể gia tăng sẽ làm xuất hiện các gai xương ở quanh khớp khiến cho khớp bị đau nhức hơn khi vận động. Lượng mỡ dư thừa trong cơ thể còn sản xuất ra cytokine gây viêm tại ổ khớp và làm tổn thương mô, các tế bào sụn.
Vì vậy một chế độ ăn của người bệnh cần đảm bảo tốt việc duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh tăng cân, béo phì.
3. Người bị thoái hóa khớp gối nên ăn gì?
- Thực phẩm chứa omega-3
Dầu cá chứa nhiều axit béo omega-3, đây là một chất có tác dụng ngăn chặn sản xuất cytokine và các enzyme phá vỡ sụn, giúp giảm viêm và dịu cơn đau khớp đáng kể. Khuyến cáo nên ăn ít nhất 3 bữa cá/ tuần. Các loại cá chứa nhiều omega – 3 như cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá trích, … đối với những người không thích ăn cá có thể bổ sung thêm qua các loại hạt: hạt chia, quả óc chó, … hoặc các loại thực phẩm chức năng bổ sung.
- Sữa
Sữa tươi, sữa chua, phô mai là những thực phẩm giàu canxi và vitamin D. Đây là những chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để có hệ xương khớp khỏe mạnh.
- Thực phẩm giàu chất chống oxi hóa
Theo các Chuyên gia dinh dưỡng, các loại quả mọng như nho, dâu tây, việt quất, … chứa nhiều flavonoids – đây được xem là những chất chống oxi hóa lý tưởng, giảm các dấu hiệu viêm liên quan đến bệnh thoái hóa khớp gối.
Nguồn cung cấp các chất chống oxi hóa khác phải kể đến là các loại rau màu xanh đậm: cải bó xôi, bông cải xanh, rau họ cải, … những loại rau này không chỉ giàu vitamin A, C giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương từ các gốc tự do mà còn cung cấp lượng lớn chất xơ giúp giảm cholesterol hiệu quả. Ngoài ra, chúng cũng chứa hàm lượng canxi cao, góp phần bảo vệ sức khỏe xương. Vitamin C còn hỗ trợ tăng sinh collagen và mô liên kết, tốt cho cơ bắp và sụn. Bông cải xanh có chứa một hợp chất được gọi là sulforaphane, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là một chất có tác dụng chống viêm mạnh mẽ, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thoái hóa hớp.
- Chất béo không bão hòa
Chất béo không bão hòa tham gia vào phản ứng với viêm nhiễm và kiểm soát tình trạng viêm khớp. Dầu oliu thuộc loại chất béo không bão hòa đơn, một nghiên cứu cho thấy trong dầu oliu chứa hợp chất oleocanthal có tính chất tương tự như thuốc kháng viêm không steroid (tiềm năng hơn cả ibuprofen). Vì vậy có thể sử dụng dầu oliu hàng ngày thay thế cho các chất béo khác, vừa tốt cho sức khỏe và bệnh viêm khớp.
4.Những thực phẩm nên hạn chế
Bên cạnh các thực phẩm có đặc tính chống viêm cũng có một số thực phẩm có thể làm tăng các phản ứng viêm và các cơn đau tại khớp. Lời khuyên cho những bệnh nhân này, tốt nhất là tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm dưới đây trong chế độ ăn hàng ngày.
- Đồ ăn chứa nhiều đường
Tiêu thụ các loại thức ăn, đồ uống có hàm lượng đường tinh chế cao như bánh kẹo, nước ngọt đóng chai không những gây ra béo phì, tiểu đường mà còn có thể thúc đẩy giải phóng cytokine gây ra các phản ứng viêm khớp, làm tình trạng thoái hóa trở nên nặng hơn.
- Chất béo bão hòa
Các chất này thường có nhiều trong các loại thịt đỏ (thịt bò, cừu, lợn, dê), đồ ăn nhanh và các loại thực phẩm đóng hộp. Loại chất béo này không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân thoái hóa khớp gối mà còn tác động xấu đến những vấn đề khác của cơ thể như bệnh tim mạch, béo phì.
- Carbohydrate tinh chế
Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo trắng, bánh bao nên hạn chế sử dụng. Khi tiêu thụ nhiều các loại tinh bột này sẽ làm tăng lượng glucose trong máu, có thể kích thích các phản ứng viêm. Điều này giải thích tại sao một số trường hợp ăn nhiều tinh bột lại có các cơn đau khớp gối tăng. Thay vào đó người bệnh có thể sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt.